Ngàn năm bảo vật đất Thăng Long
Bún chả là đây có phải không?
Ông Thạch Lam nói, có một nhà thơ đồng quê đã ứng tác hai câu trên khi đọc bài viết của ông về món ăn Hà thành, trong đó có Bún Chả. Bún chả có từ bao giờ? Không ai có thể khẳng định chính xác được nhưng có một điều ít ai phủ nhận rằng nó là một món ăn ngon.Thời gian mươi năm trở lại đây, nước ta bước vào mở cửa, mở luôn cả nền văn hóa ẩm thực, nào là dăm -bông Pháp, xúc-xích Đức...nhưng có những món ăn dân tộc của Việt nam có lẽ đến mãi mai sau cũng không bị lãng quên, một trong số đó là Bún Chả. Lâu lâu, thấy người cứ bần thần, khó chịu mà không tả được . Nghĩ mãi, hóa ra là vì lâu rồi ta chưa được ngửi mùi khói thơm nướng chả, chưa được thưởng thức cái món quà có thể xếp vào bậc nhất nhì của Hà nội. Chả thế mà giữa mùa hè, trời nóng bức, các quán bún chả vẫn tỏa khói mù mịt, thực khách ra vào nườm nượp. Chủ nhật hay ngày nghỉ lễ, nhiều nhà vẫn chọn số 1 bún chả để “ăn tươi” hoặc liên hoan. Chả nướng có hai loại, chả miếng và chả băm. Cũng tùy vào ý thích của mỗi người. Nhưng dù là chả gì cũng phải được nướng trên khay than hoa (than củi) nóng rẫy, đỏ hừng hực. Thịt để làm chả không cần quá nhiều nạc, có dắt một ít mỡ càng tốt, như thế chả càng mềm, không bị khô. Nhất là chả miếng, cứ phải cái anh “ba chỉ” là nhất! Chả băm cũng không cần nhuyễn quá, tất cả được ướp với tỏi, hành khô băm nhỏ, hạt tiêu, nước mắm ngon, một chút đường, nước hàng hoặc giả cho thêm một chút magi thì càng dậy mùi thơm. Quạt chả cũng là cả một nghệ thuật. Miếng chả ngon là miếng chả quạt vừa vặn, không bị cháy, nóng hôi hổi những hạt mỡ hãy còn lăn tăn sôi bóng loáng, chín vừa mà thơm nức cả mũi hàng xóm! Bún dùng để ăn chả là loại bún nhỏ sợi, trắng muốt. Nào, tíu tít rau sống, nước chấm, dưa góp Ai nấy đều xăng xái và hân hoan. Và chắc hẳn nếu đi xa gia đình, xa Hà nội, sẽ nhớ lắm mùi khói thơm quyến rũ này!
No comments:
Post a Comment