Phố lạc rang húng lìu
Nếu một ngày trời mưa liu riu, ngồi nhà xem TV, phim ảnh hay nghe nhạc…mà có gói lạc rang húng lìu bên cạnh để chốc chốc lại đưa tay nhón để rồi tay ải gặp tay ai… thì còn gì thú bằng... Đã là người ưa ăn vặt và “kết” món lạc rang, hẳn không thể không biết đến đoạn cuối đường Bà Triệu. Có dễ đến mấy chục hàng lạc rang húng lìu có hàng có hiệu như hiệu Bà Lân, bà Vân, cô Phúc, cô Linh…cũng có hàng chỉ đề đơn giản “lạc rang húng lìu mặn ngọt”. Khởi nguồn cho món lạc rang húng lìu có lẽ là từ thời “Hà nội xưa” của các chú Tàu khách. Nếu tôi nhớ không sai thì hình như ngày xưa các chú Tàu khách đi bán rao lạc rang húng lìu (chả nhớ tiếng rao là gì nữa), chứ làm gì có cửa hàng cửa hiệu. ĐI dọc theo đường Bà Triệu, đến đoạn cuối phố, nhìn thấy những biển hiệu san sát mời chào. Lạc rang húng lìu ở đây được đóng gói trong túi ny lông để bảo quản được lâu và giữ được mùi húng lìu thơm. Nhưng cũng chính vì điều này mà khi mua, thật khó nhận ra đâu là lạc mới, lạc cũ…Gói lạc 5 nghìn, 10 nghìn…tùy vào lượng lạc nhiều ít ở mỗi gói. Có hàng bán loại lạc hạt to, có loại hạt nhỏ… nhưng lạc nhỏ ăn ngon hơn thì phải. Tuy nhiên, bí quyết ở đây không phải hạt to hay hạt nhỏ mà là ở khâu rang lạc và khâu tẩm húng lìu. Có lẽ mỗi hàng lạc rang húng lìu đều có bí quyết riêng, vì thế mà họ xây dựng được thương hiệu như hiệu Bà Lân, cô Phúc…Phải công nhận họ rang lạc rất cừ, hạt lạc chín đều, giòn giòn mà không hề bị quá lửa hay sượng. Những hạt lạc thơm, giòn, mằn mặn, ngòn ngọt…ăn mãi không thấy chán. Không như anh lạc rang thường, khi ăn cứ phải xoa bỏ lớp vỏ lụa đi, lạc rang húng lìu cứ phải giữ nguyên lớp vỏ ấy thì mới có giá trị vì phần lớn hương vị đều nằm cả ở đây.
Nem chua xứ Thanh
Mỗi lần có dịp đi qua xứ Thanh, hầu như lần nào tôi cũng xách dăm ba chục nem chua về làm quà. Dọc đường quốc lộ cơ man nào là hàng bán nem chua. Nem xứ Thanh nổi tiếng từ những thời cách đây hàng chục năm...Còn nhớ có lần tôi được nghe kể chuyện của ai đó đi tàu. Khi tàu đỗ ở ga Thanh Hoá, những người bán hàng nhao lên, kẻ chen người lấn để bán hàng, gà luộc, trứng luộc, bánh mì... và nem nữa. tàu đỗ không lâu nên khách cứ mua đại lâymột túm nem, chắc mẩm có quà xứ Thanh đem về. Nhưng khi về nhà giở ra thì...ôi thôi, chỉ được vài cái có nem thật, nghĩa là có một miếng vuông cỡ bằng đốt tay phụ nữ, còn lại là tuyền lá chuối là lá chuối!!! Bây giờ khác rồi. Khách cũng chả dại mua đường mua chợ, cứ chọn hàng quán mà mua, thậm chí hỏi tài xế đường dài quen nhà hàng, biết hàng nào ngon thì vào...Nhà hàng cũng muốn giữ chữ "tín" với khách...Nem xứ Thanh vì thế càng chiếm được cảm tình! ...cốc bia vại sủi bọt vàng óng để cạnh một chùm nem chua...tay bóc hết lớp lá này đến lớp lá khác...để lộ ra cái nem xinh xắn hồng hồng có quấn tí lá đinh lăng, thế rồi quệt miếng nem vào tương ớt cay cay...thưởng thức cái vị mát của bia, vị chua mà ngọt thơm thơm, giòn giòn của nem, cay cay dịu nhẹ của tương ớt! Chỉ một loáng chỉ còn là ngổn ngang lá chuối! (có phải là lá chuối rừng ko nhỉ? Chuối nhà thì lấy đâu lá cho xuể?) ăn mãi, ăn đến cảm giác no mà vẫn không biết chán. Cũng thịt lợn, bì lợn, thính... nhưng nem chua xứ Thanh mang hương vị riêng. Nghe nói những nhà làm nem trải qua bao đời mới có được bí quyết riêng pha trộn. Có một chút thay đổi của nem chua Thanh, đó là người ta không còn dùng lạt tre để buộc cái nem nữa, có lẽ nhu cầu tiêu thụ tăng cao, để tiện lợi và đơn giản hơn, người ta thay bằng dây chun! Một dấu hiệu của thời đại "công nghiệp" trong chiếc nem nhỏ bé! Dù là ngày thường, ngày Tết... tuy chỉ là ăn chơi bời nhưng nếu mâm cỗ hay mâm cơm có thêm chục nem chua, sẽ càng tăng thêm phần hấp dẫn, nhất là với cánh "nhậu"!
No comments:
Post a Comment