Nộm!
Một ngày giữa thu hanh hanh, khô khô, trong người cảm thấy hao háo và người ta chợt nghĩ đến những món ăn man mát, làm dịu cơn háo trong người. Không đến mức nóng bức nhễ nhại mồ hôi để mà cần một cốc chè, hay một cốc sinh tố… thế thì chỉ có một món chua chua, ngọt ngọt, cay cay, thơm thơm, bùi bùi…mới nghĩ đến đã cảm thấy nước bọt ứa đầy chân răng ! Đó chính là nộm.Nộm! Lạ thật, cứ nhắc đến món nộm là chợt nhớ ngay tới con phố được gọi là phố ngắn nhất Hà nội, đó là phố Hồ Hoàn Kiếm. Hồi trước, các hàng nộm xe đẩy “di động” sắp thành hàng thành lối từ đầu phố tới cuối phố (của đáng tội, con phố ngắn tũn). Nghe nói ngày trước những người bán nộm ở đây hình như đều là Tàu khách. Bầy giờ thì chủ hàng trẻ măng. Nhưng điều khiến người ta chú ý khi đi ngang qua đây và sẽ còn nhớ mãi không phải bởi họ trẻ hay già, cũng không hẳn bởi nộm ngon mà là tiếng lách cách, lách cách khua kéo của chủ hàng, nghe đến vui tai. Hễ nhìn thấy bóng dáng bạn từ xa là họ đã khua kéo ầm ĩ gây sự chú ý và lôi kéo trí tò mò của bạn. Trong một lần đi ngang qua con phố cùng một người bạn, tôi cũng từng bị lôi kéo như thế, và chúng tôi bước vào. Hôm đó là cuối thu, trời hơi se rét, chúng tôi vừa đứng cạnh xe vừa chăm chú nhìn anh chủ hàng trẻ măng thoăn thoắt làm các động tác lấy nộm, cắt thịt bò khô, chăn nước chấm... tay vẫn không rời chiếc kéo và không quên khua chúng kêu lách cách, lách cách... Chỉ đến thế thôi, nói về nộm thì nộm ở đây không tạo một kí ức gì cả. Một hàng nộm nổi tiếng nữa là ở đầu Thi Sách, ngay số 1, nhà đầu tiên. Hình như hàng nộm nào cũng giống nhau. Nghĩa là nhìn từ ngoài vào trông rất xập xệ, nhếch nhác từ bàn ghế cho đến chủ hàng. Nhưng khi đã bước chân vào và ngồi xuống thì người ta chảng thể để ý đến những điều ấy nữa. Bởi những người xung quanh đang ngồi ăn rất ngon lành và vui vẻ. Quán có nộm bò khô và nộm thập cẩm, thì đúng là thập cẩm vì gồm có gan và lòng ngan… gì đó. Tôi thường không ăn loại thập cẩm bao giờ, tôi thích nộm bò khô hơn, tuy là thịt nhưng nó dai dai, thanh và thơm. Chờ một chút, đĩa nộm đựoc bê ra, đu đủ giòn sồn sột, rau thơm mát mát, lạc rang thơm phức, thịt bò khô thái nhỏ…nước chấm chua chua, ngọt ngọt, thêm tí tương ớt cho cay cay trộn đều lên, làm một gắp, rồi gắp nữa…bấy nhiêu thứ hòa cuộn vừa đủ để cảm thấy sung sướng, thỏa mãn …Thế là đủ để mềm môi và xua tan cái hao háo đi rồi nhé.
Bún đậu mắm tôm
Bún đậu mắm tôm. Quà sáng, quà trưa, hay quà giữa buổi…đều có thể là bún đậu mắm tôm. Nếu muốn ăn món quà này, bạn có thể tìm được ở hầu hết các con phố, ngõ của Hà Nội. Đơn giản vì bún đậu mắm tôm là một món ăn giản dị, dễ làm, dễ ăn và rất bình dân. Những hàng bán rong thường quẩy quang gánh len lỏi trên các ngõ, phố. Nhưng thông thường, ai bán quen ở đâu thì “đỗ” ở đó, rất tiện cho những ai rềnh rang nhiều thời gian vào cho bữa sáng hoặc chán cơm hộp, cơm bụi…vào bữa trưa, thảng hoặc đôi khi làm việc quá công suất cả ngày , đến 3~4h chiều cái bụng đã biểu tình, tiện chân bước ngang qua hàng bún đậu mắm tôm và thấy thật ngon miệng với món ăn vỉa hè này. Hoặc giả cầu kỳ hơn, có thể rủ nhau đến những hàng đã nổi tiếng như bún đậu mắm tôm ở ngõ Phất lộc, đường Trần Hưng Đạo, trong chợ Mơ, chợ Hôm… Bún, đậu, mắm tôm là những thức chính cần có cho món ăn, đúng như tên gọi của nó đã liệt kê. Bún là bún lá, những con bún lá trắng muốt, xinh xinh không to hơn lòng bàn tay, mắm tôm được pha khéo với chanh, ớt…nổi bọt hồng hồng, thơm lựng (!), và đậu phụ, ngon nhất, được ưa chuộng nhất là đậu Mơ (*), cái đậu Mơ nhỏ thôi nhưng mịn, thơm ngậy, rán lên phồng vàng rộm, nhóng nhánh mỡ, một đĩa con rau thơm gồm kinh giới, thơm Láng, tía tô… cái thơm nồng chanh, ớt của mắm tôm, rau thơm, béo ngậy của đậu phụ, cay cay nơi đầu lưỡi của ớt…tất cả nằm trong miếng bún đã sẵn sàng…Có lẽ chỉ những ai ăn rồi mới cảm nhận được hết cái thơm, ngon, lần nào ăn cũng thấy như một lần mới của món ăn bình dị này.
(*) xin tiết lộ một chút “bí quyết” khi mua đậu Mơ: bảo chị bán hàng lấy cho loại đậu khô (đậu chưa ngâm nước) và cái đậu nhói, cái đậu nằm bên trên trong một cặp đậu.
Bún riêu cua
Một người bạn trên vnkr nhờ tôi viết về món bún riêu mà anh từng được thưởng thức ở một quán Bún riêu nào đó trên đường Phan Chu Trinh, anh còn tả rõ địa điểm quá bún nằm gần ngã tư Trần Hưng Đạo… Chắc hẳn anh xa Hà nội đã lâu nên mới nổi cơn thèm Bún riêu đến thế…Và ẩn sau câu nói của anh, tôi đọc thấy nỗi nhớ quê nhà, nhớ Hà nội… Bởi phải nhớ da diết thế nào, người ta mới có thể nhớ từng chi tiết một quán hàng quà Bún riêu đến vậy.Bún riêu cua Mặc dù băn khoăn đôi chút vì tôi vẫn hay qua lại đường Phan Chu Trinh và nhớ vị trí anh nói làm gì có hàng quà bún. Tôi quyết định mục kích quán bún riêu kia, và cũng nhăm nhăm định mục đích tận nơi xem nó ngon đến thế nào mà hân hạnh được anh bạn cho vào nỗi như vậy. Không xe máy ồn ào, vội vã…tôi dắt xe đạp thong thả đi dọc từ Lò Đúc lên. Quả thật chỗ đó đang có công trình xây dựng. Khắp một đoạn phố dài người ta quây tôn để thi công, chắc chắn chẳng có hàng quà bánh nào ở nơi này được. Tôi ngơ ngẩn mất một lúc… …Nhà tôi vẫn thường tự làm bún riêu cua. Mẹ tôi vẫn bảo, khó gì đâu! Bún, cua, cà chua, sấu chua (hay me chua), hành, mùi tàu, rau sống…Cua mua về xóc nước cho kỹ, xóc qua với mấy hạt muối cho đảm bảo sạch sẽ. Rồi xé cua, rồi khêu gạch…Cua cho vào cái cối lon cũ kỹ có tuổi đời hơn cả tuổi tôi, cho anh chày cũng tuổi chị cối ra giã lấy giã để (nhớ cho vài hạt muối để đỡ bị bắn) đến khi thịt cua tan ra, nhuyễn dẻo quánh tay chày thì cho nước vào lọc… Chừng ấy công việc lẩn mẩn mà mẹ bảo có gì đâu! Nào đã xong??? Cho nồi nước cua lọc lên bếp, nhở lửa thôi. Trong lúc chờ thì ta chưng gạch. Cà chua cho vào một nữa, nhừ rồi thì cho gạch cua vào, đỏ au, béo ngậy! Một nửa cà chua còn lại bổ miếng cau cho vào nồi nước. lăn tăn một lúc thì từng tảng thịt cua kết lại, ngon lành quá đi. Khe khẽ thôi, kẻo nát mất! Sắp bún ra bát, bún ăn canh riêu cua hay ốc là phải loại bún to sợi. Trụng nhanh qua nước sôi, rồi trút vào bát tô những sợi bún chau chuốt trắng muốt nón nà lim dim mắt đón chờ…hành, mùi tàu thái nhỏ cho vào…Thong thả thì chần ít rau rút hay cho thêm anh dọc mùng tước vỏ bóp muối kỹ thì càng thêm phần thơm, giòn, ngọt. Nồi riêu cua đang sôi lúc búc, nóng giãy…múc mấy muôi nước vào bát cho anh riêu cua gặp chị bún…miếng riêu cua chắc mịn hồng hồng, nước riêu cua long lanh những là sao gạch chưng, múi cà chua chín vừa ưng ửng, mùi hành lá, mùi tàu thơm nức mời chào…Suýt…soạt…Thôi rồi!!! Cứ gọi là ngon lịm lìm lim! Bên cạnh kèm cái rá con rau sống, lấp loáng những sợi thân chuối nõn thái mỏng tang bên cạnh những thức rau thơm mà có lẽ cả thế giới Tây, Tàu, Nhật, Mỹ…không nơi nào có được: tía tô, kinh giới, thơm Láng, mùi, ngổ, xà lách…Thật là mát lòng mát dạ. Mẹ tôi thích cho thêm một chút mắm tôm vào bát bún riêu, cụ bảo ăn như thế thật đậm đà!
Bánh gối !
Ai đã nhìn thấy bánh gối hẳn đều muốn ăn thử. Bởi hình dáng trông như chiếc gối hình bán nguyệt, xinh xắn, căng phồng đến ngon lành. Và khi đã ăn rồi, người ta không khỏi gật gù tấm tắc khen cho loại bánh nhìn đã đẹp rồi mà ăn lại ngon này.Năm thứ 3, cả lớp tôi tổ chức liên hoan làm bánh gối. Vỏ bánh thì lên Lương Văn Can. Nhân bánh thì rút ra từ vài lần đi ăn bánh gối trước đó của một số cô nàng, vấn đề còn lại chỉ là cách gói và rán bánh! Thế thì thật đơn giản, bởi sau 1 số lần “hy sinh” làm thử nghiệm, chúng tôi đã đủ kinh nghiệm có thể mở cửa hàng bánh gối ngon hơn bất cứ cửa hàng nào. Tôi thích nhìn chiếc bánh gối lúc chưa cắt để tưởng tượng ra đó là chiếc gối (thì bánh gối mà lỵ!) xinh xinh giống hình chiếc gối mẹ làm cho tôi nằm hồi còn nhỏ xíu. Này nhá, hình bán nguyệt hẳn hoi, có riềm viền đàng hoàng! Ăn bánh gối ngoài hàng thì người ta cắt ra làm ba, làm tư (có lẽ chả đến, giờ cái bánh càng ngày càng xinh tệ!) nên nếu ngại nóng, ngại hơi dầu mỡ…không lại gần chảo rán bánh thì cũng chẳng thể biết được hình dạng chiếc bánh gối lại đáng yêu đến thế. Nhưng dù đáng yêu đến đâu thì nó cũng là đồ ăn, vì vậy cái đích cuối cùng không phải chỉ dừng lại ở hình dáng bên ngoài. Thế thì vào trong xem nào! Miến này, mộc nhĩ này, giá này, thịt băm nhỏ này, điệu đà thì thêm một lát lạp xường đỏ nữa, thoang thoảng hương hạt tiêu thơm cay ấm áp. A, có cái gì trắng trắng tròn tròn! Thì ra một quả trứng chim cút! Đấy, bấy nhiêu thứ nóng hôi hổi vì nằm trong cái vỏ bánh được thả vào chảo đày dầu rán cho chị bánh gối căng phồng hết cỡ, rán cho anh dầu anh mỡ reo vui hỉ hả… thì kết quả thực khách được thưởng thức cái giòn, cái thơm, cái béo ngậy của bánh gối. Béo ngậy như thế thì thường hay đi với anh nước chấm chua, cay, mặn, ngọt…với một ít dưa góp đu đủ! Thế là đủ rồi!
No comments:
Post a Comment