Thịt gà, xôi nếp, đàn bà… Cả ba thứ ấy đều là dùng tay…
Nghe nói ngày xưa thời bao cấp, vợ chồng nhà nọ có máu mặt, hơi gọi là giàu một tỵ, nhưng mỗi khi ăn thịt gà không dám chặt, thường phải dùng kéo để gỡ vì sợ hàng xóm biết được, trong lúc cả phố hai bên chắn, lẻ đều ăn cơm độn bo bo mà nhà “nó’ lại có thịt gà để ăn…Chao ôi, ăn uống mà như thế thì còn gọi gì là sướng! Đố bác nào ăn thịt gà không dùng tay mà vẫn thấy ngon đấy ạ? Không những thế đây lại còn là gà nướng. Xời! cái anh gà nướng được phết mật ong, với tẩm ướp gia giảm thơm lừng, nướng xong da cứ ròn ròn ròn! Thịt cứ thơm thơm thơm! Bên cạnh đi kèm đĩa xôi nếp trắng, hạt xôi căng tròn, chen vai thích cánh nhau bên hành phi mỡ, cái loại gạo nếp làm xôi hẳn là loại gạo ngon, không phải là nếp cái hoa vàng thì cũng phải là cái giống nếp được lựa chọn kỹ, xôi không những dẻo mà còn thơm. Thế là chả phải cầu kỳ nào dĩa, nào dao kéo… làm gì nhiều, cứ dùng tay véo xôi nếp, chim chim thành từng nắm xôi nho nhỏ ăn với thịt gà chấm chanh ớt muối tiêu, sướng! Tớ là kết nhất món này của nhà hàng Phương Nguyên (trên Hồ Tây), sau khi ăn tá lả ốc iếc, cá nướng cuốn kiếc rồi vẫn chốt hạ bằng mấy món “dùng tay” này. Thoạt đầu, cứ còn e thẹn vì sợ dùng tay trông không được thẩm mỹ cho lắm, với lại âm thầm lo lắng ăn thế thì thành eo bánh mì…nhưng đến khi thịt gà được bày ra, xôi nếp được đưa vào, cấm có đừng được! Người ta gọi đó là “cảm hứng” ăn uống. Dùng tay thì đã sao nào, người ta đã chả đúc kết ra cái câu “Thịt gà, xôi nếp, đàn bà…” rồi đấy là gì, đã ăn là phải ăn cho no, cho sướng! Thế là tay cứ thoăn thoắt từ cổ xuống đùi, rồi hết đùi lên lườn…từng nắm chim chim xôi dẻo, thơm, béo ngậy cũng theo đó mà hết dần…Cảm giác no nê mà không chán chường, hởi lòng, hởi dạ sung sướng bởi được chén một món ngon theo đúng cách không phải lúc nào cũng có. Vì thế được ăn một lần, người ta thường muốn lại được thưởng thức thêm lần nữa, đúng là “món ngon nhớ lâu…” Các cụ xưa nói câu nào là cấm có sai câu ấy. Mon này có thể là quà vặt với người này và là món không "vặt" với người khác.
No comments:
Post a Comment