Hà nội cho đến giờ vẫn còn giữ được những phong tục từ xưa, tết nào thức ấy! Tết bánh trôi bánh chay vào 3/3 âm lịch, tết Đoan ngọ có rượu nếp để giết sâu bọ, Tết Trung thu có bánh nướng, bánh dẻo, tết Nguyên đán có bánh chưng, bánh tét...Bánh chưng bây giờ nhà nhà đi đặt, người người đi mua, chẳng mấy ai còn rửa lá, ngâm gạo, đãi đỗ…kỳ công gói bánh nữa.
Bảy nổi ba chìm với nước non!
Hôm nay tự nhiên muốn viết về bánh trôi bánh chay, chẳng phải nhân dịp tết 3/3 âm lịch, cũng chẳng phải vì nổi cơn thèm bánh trôi bánh chay (tớ không thích đồ ngọt), mà có lẽ đối với moị người đang ở Hàn cũng có thể dễ dàng làm được 2 loại bánh này cho nên mọi người cũng sẽ không thèm như các thức quà khác. Nhưng cái loại bánh này nó lại khiến cho mỗi chúng ta nhớ! Nhớ mẹ dạy cách nặn bánh thế nào, nhớ bạn bè trêu đùa nhau trong 1 lần liên hoan bánh trôi bánh chay ra sao, nhớ cái cảm giác khi mình là người may mắn ăn được chiếc bánh trôi có 2 nhân duy nhất...Chao ơi là nhớ! Hà nội cho đến giờ vẫn còn giữ được những phong tục từ xưa, tết nào thức ấy! Tết bánh trôi bánh chay vào 3/3 âm lịch, tết Đoan ngọ có rượu nếp để giết sâu bọ, Tết Trung thu có bánh nướng, bánh dẻo, tết Nguyên đán có bánh chưng, bánh tét...Bánh chưng bây giờ nhà nhà đi đặt, người người đi mua, chẳng mấy ai còn rửa lá, ngâm gạo, đãi đỗ…kỳ công gói bánh nữa. Bánh nướng bánh dẻo thì càng không ai làm, đến như đi mua cũng phần lớn là để biếu xén. Rượu nếp cũng vậy, ngoài hàng bán đầy các loại rượu nếp, rượu cẩm được ủ men sẵn, chẳng hơi đâu mất công chọn nếp, chọn men. Bánh trôi bánh chay thì tuy dễ làm đấy nhưng ăn thì được là mấy, làm làm gì cho cách rách…nhưng vào dịp Tết bánh trôi bánh chay, xem ra cũng nhộn nhịp hẳn lên. Nhiều hàng bán bánh trôi, bánh chay xuất hiện vào dịp này. Thế nên nhiều khi ngại làm, người ta đi mua độ vài đĩa mỗi loại về trước là thắp hương tổ tiên ông bà, sau là cho con trẻ hưởng lộc. Có lẽ vì vậy mà cảm giác nhớ lại càng nhớ hơn! Nhớ hồi học cấp III, ngày 3/3 ÂL, lũ con gái rủ nhau tụ tập làm bánh trôi bánh chay. Gì chứ cái kiểu nặn nặn, vê vê này, chị em ai cũng thích. Mỗi đứa một công một việc, đi xay bột, ngâm đỗ xanh, mua đường phên đúng kiểu… Đúng hôm 3/3 tập trung lại nhà một đứa, cả lũ thi nhau nhào, nặn, trong nhà có mấy cái mâm nhôm đều lôi ra hết để làm. Bột làm bánh được trộn với tỷ lệ 7 nếp 3 tẻ, đường phên cắt nhỏ miếng vuông vuông cho vào giữa viên bột nặn thật khéo cho tròn, kín. Nhân bánh chay làm bằng đậu xanh ngâm mềm, đãi vỏ thật sạch, nấu chín rồi giã nhuyễn, cho một ít mỡ vào trộn đều đỗ rồi cho vào giữa viên bột, nặn tròn rồi nắn bẹt lại… Khay lớn khay nhỏ những chiếc bánh tròn tròn, trắng muốt. Một đứa tinh nghịch nghĩ ra 1 trò, nặn hai nhân đường trong 1 bánh và để xem đứa nào ăn được chiếc bánh đấy có thể coi như sẽ lấy chồng sớm nhất hội! Cả lũ hưởng ứng ngay. Đến khi nấu bánh trôi, đứa nào cũng nhăm nhăm để xem “bảy nổi ba chìm với nước non” như thế nào… 1 đĩa bánh đẹp nhất, rắc vừng trắng rang lên trên, 3 bát bánh chay có thả đỗ hoa cau và vani mùi bưởi thơm lừng, rắc mấy sợi dừa nạo cho thêm phần hấp dẫn nữa đặt lên bàn thờ chủ nhà. Xong! Thế là alê…tất cả đều là bánh khá đẹp bởi có mấy cái bị vỡ đã được phi tang trong lúc “nổi, chìm” rồi (lạy các cụ, những cái đó vỡ không tính!) Đứa nào cũng ra vẻ bình tĩnh nhưng thực ra đều đang ăn cố để biết đâu may ra mình tìm được chiếc bánh hai nhân…Phù, cô nào chả thích lấy chồng trước! Chiếc bánh hai nhân ấy rơi vào mình! Tuy đang cố tìm, nghe ngóng, nhưng cũng bất ngờ khi biết chiếc bánh đang ăn có hai nhân! Hai nhân đường phên nhỏ tí thế mà lại mang một ý nghĩa “lớn lao” đến như vậy…(nhưng rốt cuộc lại không thành sự thực)
No comments:
Post a Comment