Monday, May 09, 2005

Tết nhất ...

Trước Tết độ 3 tuần hay nửa tháng, ngoài chợ bán rất nhiều hành bánh tẻ, loại hành củ ko non, ko già dùng để muối ăn vào những ngày Tết, những ngày có quá nhiều thịt thà để ăn, có thêm đĩa hành muối thật là như tôn thêm vị ngon của món ăn, lại giúp tiêu hoá nhanh, đỡ ngấy.

Hành muối
Trước Tết độ 3 tuần hay nửa tháng, ngoài chợ bán rất nhiều hành bánh tẻ, loại hành củ ko non, ko già dùng để muối ăn vào những ngày Tết, những ngày có quá nhiều thịt thà để ăn, có thêm đĩa hành muối thật là như tôn thêm vị ngon của món ăn, lại giúp tiêu hoá nhanh, đỡ ngấy. Hành chọn loại bánh tẻ, chắc củ, mua về cắt bỏ rễ, lột vỏ cho trắng muốt rồi rửa sạch và cho vào ngâm trong nước gạo (tớ thấy mẹ tớ bảo là để cho hành muối được trắng). Có nhà cầu kỳ thì ko lột vỏ hành cho đến trắng ra mà chỉ llột lớp vỏ ngoài, đến khi ăn mới lấy ra và lột vỏ lại. Ngâm chừng độ 3~5 tiếng thì rửa sạch lại và muối. Muối hành thưòng muối nén, lâu được ăn hơn muối xổi nhưng bù lại, của hành vừa chắc, vừa giòn, lại thơm nữa...Muối nén thì ko cho nước, chỉ hành và muối thôi. Đừng nên muối mặn quá, nhưng cũng đừng muối nhạt quá, hành mau chua, ăn ko ngon. Thế, xong đâu đáy rồi thì đặt cái vỉ vẫn dùng muối dưa cà lên trên. Muối vào một cái vại sành là ngon nhất, nếu có vại to thì kiếm một cái vại con cho nước vào, vại to lồng vại con thế là thành nén. Nếu ko thì kiếm lấy 1 hòn đá nhỏ (đi du lịch ở đâu nhìn thấy hòn đá nào nhẵn nhụi, xinh xẻo thì cố mà vác về, hữu ích lắm đấy) cho vào vại. Độ mươi ngày đến 2 tuần, vừa đúng dịp Tết là ăn được. Khi lấy hành ra, củ nào nhỏ, để nguyên, củ nào to chẻ đôi theo chiều dọc, cho vào một ít tương ớt Chili và xóc lên cho đều. ái chà, ăn với bánh chưng hay các món giò thủ, giò xào... thì ngon phải biết. Cay cay, chua chua, hăng hăng lại thơm thơm...
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Chưa xong. Nếu rềnh rang có thời gian, mua về lấy 1,2 cây dưa cải bẹ to (cải Đông dư) cắt cả bẹ ra (ko cắt ngắn) rửa sạch, phơi cho heo héo thì càng ngon. Rồi tiện thể cho lên trên vại hành, cứ muối cả tàu dưa vừa dày, vừa to như thế. Xong, rồi mới nén. Hành ngấm dưa, dưa ngấm hành, đến lúc ăn thì cắt dưa thành từng khúc vừa ăn, miếng dưa vừa dẻo, vừa giòn, lại thơm mùi hành.

Thịt đông
Chân giò bỏ xương, một ít da bì lợn cạo sạch và rửa sạch, cho vào luộc qua, vớt ra để nguội. cắt thành miếng vừa ăn, rồi lại cho nước lã xâm xấp vào luộc lại, cho nước mắm, gia vị vừa ăn. Khi thấy thịt sôi, vớt hết bọt nổi lên, rồi cứ thế để lửa liu riu cho đến khi lấy đũa xăm thử thấy thịt chín mềm nhừ là bắc xuống được. Đậu quả Hà lan, mộc nhĩ thái nhỏ, cà rốt tỉa hoa lá cành, cho vào chần nước sôi có cho một ít muối, thấy chín thì vớt ra để ráo nước. Xếp đậu hà lan, mộc nhĩ, cà rốt vào đáy bát, múc thịt đổ vào để nguội, cho tủ lạnh, khi ăn úp sấp bát xuống, lấy dao cắt khéo. Khi ăn, ăn kèm với món hành muối trộn tương ớt ở trên. Đây là một món ăn đặc trưng của miền Bắc, vừa dễ làm, vừa dễ ăn.

Măng ninh chân giò
Măng ngon nhất để làm nồi măng ninh chân giò là măng lưỡi lợn. Miếng măng dầy, non mụt, không được có xơ. Rửa sạch rồi cho vào nồi ngâm, tốt nhất là ngâm nước vo gạo và thay từng buổi (vo gạo nấu cơm bữa nào thì thay nước ngâm bữa đó) trong vòng 3 ngày như vậy thì măng sẽ mềm và trắng nữa. Sau đó cho măng vào luộc vài nước, đổ ra để ráo nước. Bắt đầu thái măng, nên để lưỡi dao chéo thái vát miếng măng không có người ta ăn lại bảo thái gì mà miếng măng cứ trùng trục! Đấy, xong xuôi rồi thì cho vào chảo, đổ tí dầu vào, cho ít gia vị rồi xào lên. Trong lúc luộc măng thì làm sạch chân giò (có cả xương và móng), các cụ ngày xưa bảo “ăn chân sau cho nhau chân trước” nhưng tớ thấy chân sau hay chân trước gì đều ngon cả. Hơ cái phần móng giò qua lửa cho sạch sẽ và thơm tho, rửa sạch rồi hặt thành miếng. Nếu thích ăn nhiều thịt nữa thì cho thêm độ mấy miếng thịt sấn mông thái miếng vuông như hộp diêm, nhưng mà ko nên vì rất béo, nội chân giò cả cái như vậy là cũng đủ rồi. Lúc này cho cả chân gìo và măng đã xào vào nồi ninh, ninh độ chừng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng (nếu là nồi áp suất thì chỉ độ 40~ 45 phút từ lúc sôi). Nồi măng đơn giản thế thôi mà hấp dẫn lắm. Cái mỡ béo, cái keo nhuyễn của chân giò cứ quyện vào măng, ngấm vào măng, miếng nào miếng nấy vừa mềm lại vừa giòn, ngon ngon là! Cứ nguyên cả nồi măng như vậy, trời rét thì thế nào nó cũng đông vào, lúc ăn chỉ việc xắn từng miếng cho ra 1 cái nồi nhỏ đun lên, cho thêm mộc nhĩ xé miếng nhỏ (mộc nhĩ cho vào măng dứt khoát ko được dùng dao thái đâu nhé), nếu thích thì làm một ít miến cho lên trên cùng với hành củ tươi thái dọc. Rõ là hương vị Tết rồi nhá!

No comments: